dongoctho2

dongoctho2

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

nhân 100 năm ngày sinh nhà thơ Vũ Đình Liên 1913-2013


Thứ sáu, ngày 13 tháng mười hai năm 2013

Vũ Đình Liên - Ông đồ vẫn ngồi đấy - Đỗ Ngọc Thạch

  1. Vũ Đình Liên - Ông Đồ Vẫn Ngồi Đấy - văn học & nghệ thuật

    www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail...

    08-09-2010 - Vũ Đình Liên - Ông Đồ Vẫn Ngồi Đấy. Đỗ Ngọc Thạch ... Năm 1936Vũ Đình Liên nổi danh với bài thơ Ông đồ đăng trên báo Tinh Hoa. .... Đó chính là nguồn thi hứng về lịch sử, về dân tộc - điều này thường chỉ thấy ở những  ...

  2. Zing Me | Đỗ Ẩn Sĩ | Blog của Sĩ | Phê bình, Tiểu Luận trên ...

    me.zing.vn/zb/dt/doansi1953/17446808

    15-11-2013 - PB&TL của Đỗ Ngọc Thạch - Trích: trên vannghechunhat.net. Viên kim cương vàng ... Vũ Đình Liên - Ông đồ vẫn ngồi đấy. Chuyên mục: Đời  ...
  3. Vũ Đình Liên - Ông đồ vẫn ngồi đấy Chuyên mục:   Đời sống văn nghệ Lượt xem: 702   In bài này         Gửi Email bài này     Vũ Đình Liên (1913 -1996): là một nhà thơ, nhà giáo, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1991.Ông sinh tại Hà Nội, quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương; đỗ tú tài trường Bưởi năm 1932, ông từng dạy học ở các trường tư thục Thăng Long, Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức ; sau ông học thêm trường Luật.

    Bài viết: Phê bình, Tiểu Luận trên vannghechunhat.net...- Trích: danh mục... 
  4. Bài viết: Phê bình, Tiểu Luận trên vannghechunhat.net...- Trích: danh mục... 


  5. Zing Blog
    Zing Blog

  6. Vũ Đình Liên - Ông đồ vẫn ngồi đấy



    vudinhlien_clVũ Đình Liên (1913 -1996): là một nhà thơ, nhà giáo, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1991.Ông sinh tại Hà Nội, quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương; đỗ tú tài trường Bưởi năm 1932, ông từng dạy học ở các trường tư thục Thăng Long, Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức ; sau ông học thêm trường Luật.
    Năm 1936 Vũ Đình Liên nổi danh với bài thơ Ông đồ đăng trên báo Tinh Hoa. Thơ Vũ Đình Liên được đăng rải rác trên các báo : Loa , Tinh Hoa, Phong Hóa, Phụ nữ Thời đàm. Có một thời đảm nhiệm việc quản lí cho báo Tinh Hoa. Ông từng chủ trương Revue pédagogique và làm tham tá Sở Thương chánh Hà Nội. Ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài thơ ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật, thành viên “Nhóm Lê Quý Đôn” (1). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt nam.
    Tác phẩm chính:
    Một số bài thơ: Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Lũy tre xanh, Người kỹ nữ Cầu Trò(1973), Người đàn bà điên ga Lưu Xá (1977), Gặp lại người đàn bà điên (1987), Người điên - Nàng Tiên(1992)…
    Sách đã xuất bản: Đôi mắt (thơ - 1957); Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn -1957) ; Nguyễn Đình Chiểu - Nhà chí sĩ yêu nước (1957); Thơ Baudelaire (2) (dịch-1995); Thơ Vũ Đình Liên(NXB Văn hóa, 1996).
    Tập thơ Les fleurs du Mal (Những bông hoa ác) của Baudelaire, một công trình nghiên cứu và dịch sau gần 40 năm của Vũ Đình Liên đã được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996, nhưng ông đã ra đi mà không kịp nhận giải thưởng...
    *
    Mặc dù đã nổi danh trong phong trào Thơ mới nhưng cho đến khi được Hoài Thanh - Hoài Chân chọn thơ giới thiệu trên cuốn Thi nhân Việt Nam ,Vũ Đình Liên chưa xuất bản một tập thơ nào. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam , Vũ Đình Liên viết "Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa". Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau của Vũ Đình Liên. Những bài thơ hiếm hoi được biết đến của ông đều mang nặng nỗi niềm hoài cổ, về lũy tre xưa, về thành quách cũ và "những người muôn năm cũ". Hoài niệm của ông cũng là nỗi niềm của nhiều người và bức tranh bằng thơ về Ông Đồ vẫn sẽ còn mãi với thời gian:
    1. ...Ông đồ vẫn ngồi đấy
    2. Qua đường không ai hay
    3. Lá vàng rơi trên giấy
    4. Ngoài trời mưa bụi bay
    5. Năm nay đào lại nở
    6. Không thấy ông đồ xưa
    7. Những người muôn năm cũ
    8. Hồn ở đâu bây giờ?
    Lời giới thiệu Vũ Đình Liên của Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam thật là trân trọng và đã chỉ ra đúng cái “nguồn thi cảm” của thơ Vũ Đình Liên là “Lòng thương người và tình hoài cổ”, mà mãi cho đến những ngày tháng cuối đời, vẫn thủy chung như nhất:
     “Có những nhà thơ không bao giờ có thể làm được một câu thơ - tôi muốn nói một câu đáng gọi là thơ. Những người ấy hẳn là những người đáng thương nhất trong thiên hạ. Sao người ta thương hại những kẻ bị tình phụ nuôi một giấc mộng ái ân không thành, mà không ai thương lấy những kẻ mang một mối tình thơ u uất chịu để tan tành giấc mộng quý nhất và lớn nhất ở đời: giấc mộng thơ?
    Hôm nay trong khi viết quyển sách này, một quyển sách họ sẽ xem như một sự mỉa mai đau đớn, thơ Vũ Đình Liên bỗng nhắc tôi nghĩ đến những con người xấu số kia.
    Tôi có cần phải nói ngay rằng Vũ Đình Liên không phải một người xấu số? Trong làng Thơ Mới, Vũ Đình Liên là một người cũ. Từ khi phong trào Thơ Mới ra đời, ta thấy có thơ Vũ Đình Liên trên các báo. Người cũng ca tình yêu như hầu hết mọi nhà thơ hồi bấy giờ. Nhưng hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ. Ông đồ năm năm đến mùa hoa đào, lại ngồi viết thuê bên đường phố. “Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”(3). Ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám hối của cả một bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu... Cái cảnh thương tâm của nền học Nho lúc mạt vận chúng ta vô tình như không lưu ý. Trong bọn họ, chúng ta vẫn có một hai người ca tụng đạo Nho và các nhà nho. Nhưng chế giễu mạt sát không nên, mà ca tụng cũng không được. Phần đông các nhà nho còn sót lại chỉ đáng thương. Không nghiên cứu, không lý luận, Vũ Đình Liên với một tấm lòng dễ cảm nhận ra sự thực ấy và gián tiếp chỉ cho ta cái thái độ hợp lý hơn cả đối với các bực phụ huynh của ta. Bài thơ của người có thể xem là một nghĩa cử.
    Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời. Còn riêng đối với thi nhân thực chưa đủ. Tôi thấy Vũ Đình Liên còn bao nhiêu điều muốn nói, cần nói mà nghẹn ngào không nói được. “Tôi bao giờ - Lời Vũ Đình Liên - cũng có cái cảm tưởng là không đạt ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nữa”(4). Vũ Đình Liên đã hạ mình quá đáng, chúng ta đều thấy. Nhưng chúng ta cũng thấy trong lời nói của người một nỗi đau lòng kín đáo. Người đau lòng thấy ý thơ không thoát được lời thơ như linh hồn bị giam giữ trong nhà tù xác thịt. Có phải vì thế mà hồi 1937, trước khi từ giã thi đàn, người đã gửi lại đôi vần thơ u uất:
    Nặng mang mãi khối hình hài ô nhục.
    Tâm hồn ta đã nhọc tự lâu rồi!
    Bao nhiêu xanh thăm thẳm trên bầu trời;
    Bao bóng tối trong lòng ta vẩn đục!
    Nghĩ cũng tức! Từ hồi 1935 tả cảnh thu, Vũ Đình Liên viết:
    Làn gió heo may xa hiu hắt,
    Lạng lùng chẳng biết tiễn đưa ai!
    Hai câu thơ cũng sạch sẽ, dễ thương. Nhưng làm sao người ta còn nhớ được Vũ Đình Liên khi người ta đã đọc, bốn năm sau mấy câu thơ Huy Cận cùng một tứ:
    1. Ôi! nắng vàng sao nhớ nhung!
    2. Có ai đàn lẻ để tơ chùng?
    3. Có ai tiễn biệt nơi xa ấy
    4. Xui bước chân đây cũng ngại ngùng...
    Cũng may những câu thơ hoài cổ của Huy Cận:
    Bờ tre rung động trống trầu,
    Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan,
    Đêm mơ lay ánh trăng tàn,
    Hồn xưa gửi tiếng thời gian, trống dồn.
    Những câu thơ tình nhẹ nhàng, từ xa vắng chưa đến nỗi làm ta quên cái lòng hoài cổ âm thầm, u tịch của Vũ Đình Liên:
    Lòng ta là những hàng thành quách cũ,
    Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
    Septembre 1941
    Ông Đồ
    Mỗi năm hoa đào nở
    Lại thấy ông đồ già
    Bày mực tàu giấy đỏ
    Bên phố đông người qua.
    Bao nhiêu người thuê viết
    Tấm tắc ngợi khen tài
    “Hoa tay thảo những nét
    Như phượng múa rồng bay”.
    Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
    Người thuê viết nay đâu?
    Giấy đỏ buồn không thắm
    Mực đọng trong nghiên sầu...
    Ông đồ vẫn ngồi đấy,
    Qua đường không ai hay.
    Lá vàng rơi trên giấy:
    Ngoài trời mưa bụi bay.
    Năm nay đào lại nở,
    Không thấy ông đồ xưa.
    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ?
    Bài Lòng ta là những hàng thành quách cũ cùng giới thiệu trong Thi Nhân Việt Nam với bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên tuy chưa đủ tầm xếp vào hàng “Kiệt tác” như Ông Đồ nhưng cũng khá đặc sắc. Khi các thi sĩ đắm mình vào đề tài hoài cổ, thường là khóc than cho những số phận bi tráng cùng những cuộc tình đẫm lệ của anh hùng và mỹ nhân, chẳng hạn như Tiếng địch sông Ô, Tây Thi, Huyền Trân công chúa… của Huy Thông; Nhưng Vũ Đình Liên đã nghe thấy một âm thanh khác từ ngàn xưa vọng về: đó là tiếng loa xưa! Lòng ta là những hàng thành quách cũ là hình ảnh tĩnh, nhưng trong cái tĩnh lại có cái động, là tiếng loa xưa, nhờ thế bài thơ tạo nên một dư âm đặc biệt. Đó chính là nguồn thi hứng về lịch sử, về dân tộc - điều này thường chỉ thấy ở những nhà thơ yêu nước cỡ như Phan Bội Châu…
    Lòng ta là những hàng thành quách cũ
    1. 1.       Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,
    2. 2.       Vì đêm nay ta lại căng buồm đi…
    3. 3.       Mái chèo mơ để bâng khuâng trôi đến
    4. 4.       Một phương giời mây lọc lóng giăng khuya.
    5. 5.       Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh
    6. 6.       Thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa.
    7. 7.       Trên chòi cao, tự ngàn năm sực tỉnh
    8. 8.       Trong giăng khuya bỗng vang tiếng loa mơ.
    9. 9.       Tự ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh,
    10. 10.   Tiếng loa vang giây lát động giăng khuya.
    11. 11.   Nhưng giây lát lại rơi im, hiu quạnh,
    12. 12.   Cả hồn xưa yên lặng trong giăng khuya.
    13. 13.   Trôi đi thuyền! cứ trôi đi xa nữa!
    14. 14.   Vỗ giăng khuya bơi mãi! Cánh chèo mơ!
    15. 15.   Lòng ta là những hàng thành quách cũ,
    16. 16.   Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
    *
    Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên gợi nhớ Phong tục viết câu đối Tết ngày xưa, một nét đẹp của truyền thống văn hóa:
    "... Những ông đồ nghèo đã thuê mướn từ 10 ngày trước tết, một dãy vỉa hè hay mặt tiền của một căn nhà, một góc phố - viết trên những tờ giấy màu đỏ những nét chữ vàng hay bạc... để nhận lấy một số tiền nhỏ nhoi. Nếu trong năm, nhà có tang chế, ông đồ dùng loại giấy màu vàng hay xanh lá cây. Cái tác dụng thần bí ấy đã thúc đẩy người ta phải chi phí một số tiền để mua sắm, trang hoàng ở cửa, ở cột, ở sàn nhà... hoặc trên tường, trên vách... những loại xuân liễn, những câu đối. Mặc dù nền nho học đã cáo chung, nhưng những thầy đồ vẫn xuất hiện trong lớp áo xơ bông, ngồi run lập cập trên manh chiếu để nắn nót những con chữ Nho cuối cùng và câm lặng ấy”. Đó là một đoạn mô tả của một người Pháp viết trên tuần báo Ðông Dương năm 1942.
    Còn ở những phiên chợt Tết các vùng quê, các Ông Đồ dựng một cái lều nhỏ.Trước cửa lều, ông đồ viết hai chữ đại tự "xuân liễn" vào giấy hồng điều cho khách hàng đến nhận. "Ðồ nghề" của ông chỉ có cái tráp, mấy ngòi bút lông lớn nhỏ, một nghiên mực mài sẵn, một tập giấy hồng điều hay giấy gạch cua đã rọc và chép sẵn. Người đi chợ cứ việc ghé vào lều xem câu đối ăn vào cảnh nào? Ðể thờ ai? Và dán ở đâu?
    Ông đồ không cần phải nghĩ ngợi mà cầm bút chấm vào nghiên mực, rồi viết ngay, tính tiền độ hai hào một câu đối. Nếu là câu đối dán ngoài cửa ngõ, ông đồ có thể viết:
    1. Vạn lý dương hòa xuân hữu cước
    2. Nhất niên quang cảnh nguyệt đương đầu.
    3. (Muôn dặm khí dương hòa xuân đã đến nơi
    4. Quang cảnh suốt cả năm không bao giờ đẹp bằng tháng đầu năm).
    Nếu ngoài hiên nhà thì:
    Ðinh tiền trúc báo bình an tự
    Môn ngoại mai truyền phú quý hoa.
    (Trước sân trúc báo chữ bình yên
    Ngoài cửa mai truyền hoa phú quý).
    Nếu là câu đối dán trong nhà, ông viết vào một câu quen thuộc:
    1. Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
    2. Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.
    3. (Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi thọ.
    4. Xuân đầy cả trời đất, phúc đầy nhà).
     Nếu dán ở hai bên bàn thờ tổ tiên thì hầu hết các câu đối đều ca tụng công ơn tổ tông, con cháu sẽ tiếp nối muôn đời: 
    Tổ tông công đức thiên niên thịnh
    Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương.
    (Công đức của tổ tiên ngàn năm thịnh
    Cháu hiền, con hiếu muôn đời tốt đẹp).
    Ở Thủ đô Hà Nội, hình ảnh Ông Đồ ngồi viết câu đối Tết dường như không bao giờ mất đi. Có một dạo, trên đường Bà Triệu, chỗ số nhà 62 là cơ quan của Trung ương Đoàn (trong đó có Nhà xuất bản Thanh niên, NXB Kim Đồng, Tạp chí Thanh niên, là những cơ quan trực thuộc TƯ Đoàn), là một địa điểm viết câu đối Tết rất nổi tiếng. Lề đường khá rộng, các Ông đồ ngồi viết thoải mái, tường ngăn khu nhà với mặt đường lại có hàng cọc sắt, có thể treo những câu đối đã viết sẵn thoải mái! Đường phố Bà Triệu này cũng gần nhà Vũ Đình Liên - “Cha đẻ” của Ông Đồ xưa, nên Vũ Tiên sinh cũng thường tới thăm các ông đồ thời nay. Và điều lý thú nữa là “thủ lĩnh” của địa điểm viết câu đối Tết này lại là nhà thơ Tú Sót (5) - một đệ tử trung thành của Ông Đồ xưa!.. Và một địa chỉ viết câu đối của các ông đồ thời nay cũng nhiều người biết là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Lúc thưa vắng, lúc tấp nập nhưng những ông đồ thời nay ở Văn Miếu không bao giờ bỏ cuộc! Nhìn họ viết câu đối chẳng khác như bài thơ Ông Đồ đã miêu tả:
    “Hoa tay thảo những nét
    Như phượng múa rồng bay”.
    *
    Như đã nói ở trê, trong lời bình thơ Vũ Đình Liên, Hoài Thanh có viết “hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa”. Và có thể nói thêm, hai nguồn thi cảm ấy không bao giờ vơi cạn cho đến khi Vũ Đình Liên trở thành người của muôn năm cũ. Không phải như Hoài Thanh đã viết là Vũ Đình Liên đã từ giã Thi đàn từ năm 1937, mà ông đã luôn luôn tràn đầy thi hứng cho đến lúc Trái Tim nhân ái ngừng đập! Vì thế, những bạn bè, học trò, người quen biết ông đều gọi ông là Nhà thơ của tình thương, hoặc có khi gọi vắn tắt là “Ông già Thơ”…
    Nỗi ưu tư về bản thân, cha bị mù lòa, mẹ sống trong cảnh nghèo khó phải nuôi chồng con cùng với nỗi đau buồn về thời cuộc và thế thái nhân tình đã luôn xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Khi gặp những cảnh ngộ buồn đau, Trái tim nhà thơ lại đập gấp… Một hôm, vào năm 1973, khi từ Sơn Tây về Hà Nội, nhà thơ dừng chân lại tại Cầu Trò để thăm hỏi sự tích cây cầu. Nguyên ngày xưa có cô nhà trò (còn gọi là ả đào, cô đầu) đi hát thâu đêm, sáng sớm về qua lạch nước con thì gặp mưa gió, bị cảm lạnh và chết. Dân làng đem chôn trên bờ ngòi và lập miếu thờ. Do cảm xúc cuộc đời của cô gái hát ả đào nghèo (người xứ Ðoài gọi là hát nhà trò) đã chết tại cây cầu này (vì bị nhiễm lạnh khi đi hát về khuya) mà ông đã cảm tác bài thơNgười kỹ nữ cầu Trò để lại nơi dân làng đã lập miếu Trò để thờ hồn thiêng của cô:
    1. "Ðường về Hà Nội, cầu Trò qua
    2. Nghe chuyện người xưa dạ xót xa
    3. Ðêm tiệc ai say làm phách đổ
    4. Mai sương người thấm lớp mưa sa
    5. Hai mảnh áo xiêm khôn ngàn giá
    6. Một kiếp phong trần luống rụng hoa
    7. Ví phỏng Nguyễn Du còn bút lệ
    8. Ðoạn trường thêm mấy khúc bi ca"
    Bạn bè thân thuộc ai cũng không quên được hình ảnh: hàng năm, mỗi khi đến giao thừa, Vũ Ðình Liên lại khoác cái túi nhỏ lên vai đựng tiêu chuẩn Tết đã được phân chia thành nhiều phần để du xuân tại các bến tàu, bến xe - nơi có nhiều cụ già, cháu bé lang thang, cơ nhỡ đang cần đến những chút bánh trái để đón xuân…
    Ở Hà Nội có ba địa chỉ gắn bó sâu sắc với Vũ Đình Liên. Đó là Chùa Bộc, ngôi nhà 156B Bà Triệu và 11 phố Hàng Bông. Có thời gian ông sống từ bi, ẩn dật trong Chùa Bộc. Thời gian sống ở đây đã khiến ông suy ngẫm rất nhiều về đạo Phật. Vốn là người hướng nội, gần gũi với thập loại chúng sinh, hồn thơ ông càng thấm đẫm tinh thần bác ái của nhà chùa. Ông viết về Phật Bà Quan Âm:
    Nghìn mắt không nhìn hết khổ đau,
    Nghìn tay nâng chẳng nhẹ u sầu.
    Triết lý về đời sống theo cảm nhận của riêng ông:
    Đời người là đau khổ,
    tình người là xót thương.
    Ngôi nhà ở phố Bà Triệu là nơi ông sống những năm cuối đời. Trên hè phố Bà Triệu, nhiều người thường gặp ông nhẩn nha đi bộ, gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc, vầng trán mênh mông, bên hông lúc nào cũng đè nặng chiếc cặp da đen sờn cũ, đầy ắp sách vở, tư liệu, bản nháp thơ và chắc chắn trong đó không thể thiếu toàn tập thơ Baudelaire bằng tiếng Pháp và bản dịch của ông. Vũ Đình Liên rất mê Baudelaire. Ông đã dịch "Những bông hoa ác" và hàng trăm bài thơ của tác giả này. Ông say mê đến mức mọi người gọi ông là Bôđơ… Liên. Và có nhà thơ Pháp đã gọi ông là "Baudelaire Vietnamien".
    Ngôi nhà 11 phố Hàng Bông thường được gọi là Gác Lưu xá, là một nơi chốn đầy ý nghĩa trong đời sống tinh thần của Vũ Đình Liên. Đây là nhà riêng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, một người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ Thủ đô. Ông đã lưu giữ được nhiều tấm ảnh, bức tranh và tư liệu văn học nghệ thuật quý hiếm. Ngôi nhà này là nơi gặp gỡ và đàm đạo văn chương của ba nghệ sĩ: nhà thơ Vũ Đình Liên, họa sĩ Bùi Xuân Phái (6) và nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Do đó căn gác này còn những tên gọi khác nữa là "Lầu Tình bạn" hay "Bảo tàng Lưu - Liên - Phái". Tại đây có treo đôi câu đối: Nhân loại xây Đền Văn hóa mới - Hòa bình dựng Tháp Đại đồng xưa, do Vũ Đình Liên làm và Bùi Xuân Phái viết. Tại ngôi Đền Văn hóa này, vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày giỗ của Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Hugo, Baudlaire… trầm hương trên bàn thờ lại thành kính tỏa khói nghi ngút để tưởng nhớ những bậc tài danh của đất nước và nhân loại.
    Nhắc đến Vũ Đình Liên, người ta thường nghĩ đến Ông đồ mà ít người biết tới một chùm thơ về người đàn bà điên khá độc đáo. Có thể nói chùm thơ này biểu hiện khá đậm nét phong cách thơ Vũ Đình Liên sau 1945, thể hiện rõ nét sự ảnh hưởng sâu sắc thơ Baudelaire, từ nghệ thuật cấu tứ cho đến hình ảnh, ngôn từ, âm điệu.
    Tết Bính Thìn (1977), nhà thơ lên Thái Nguyên. Khi tàu hỏa đến ga Lưu Xá, cách thị xã Thái Nguyên khoảng 10 km, ông gặp một người đàn bà điên áo quần tả tơi, ngồi bệt dưới sàn tàu. Người điên và nhà thơ nhìn nhau xót đau, thương cảm mà không nói nên lời. Nhà thơ lấy trong túi xách ra một góc bánh chưng, một gói mứt sen nhỏ, hai tay nâng món quà Tết trao cho người đàn bà điên. Ngay đêm hôm đó bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá hình thành. Hãy đọc đoạn mở đầu khi mới thoạt nhìn thấy người đàn bà điên:
    1.       "Người đàn bà điên ga Lưu Xá2.       Ngồi ngay trước mặt dưới chân tôi3.       Ai vẽ được thiên tài hội họa4.       Chân dung kia kinh tởm tuyệt vời5.       Công chúa điên rồ và rách rưới6.       Hình ảnh lạ lùng chửa có hai7.       Cả tưởng tượng Đông Tây cộng lại8.       Khôn dựng nên dù một phần mười9.       Bao tải xơ, ni lông nát vụn10.   Sợi dây thừng buộc mũ rách bông11.   … Tôi ngồi ngắm mắt không hề mỏi12.   Đống rác kia xưa đã là hoa… 13.   Ai dun dủi và ai sắp đặt 14.   Một nhà thơ với một người điên 15.   Tôi bắt gặp ba lần cặp mắt16.   Nhẹ căm thù như muốn làm duyên"…
    Và đoạn tặng người đàn bà điên món quà Tết:
    1. 1.       "Người nhận quà đưa tay đón tay
    2. 2.       Chẳng rằng chẳng nói mặt như ngây
    3. 3.       Chia tay không một lời hò hẹn
    4. 4.       Hai mặt ảnh hình bốn mắt ghi…
    5. 5.       Tôi đi tìm đến những người thân
    6. 6.       Bè bạn cháu con xa với gần
    7. 7.       Ngày Tết cổ truyền vui thiếu đủ
    8. 8.       Nhìn mặt người như ngắm hoa xuân
    9. 9.       Còn tôi biết cuộc đời đã trút
    10. 10.   Lên hoa kia sương tuyết nặng dày
    11. 11.   Đời độc ác lòng người bội bạc
    12. 12.   Làm hoa kia thành đống rác này
    13. 13.   Đời sẽ đổi lòng người sẽ đổi
    14. 14.   Sẽ trở về tình xót nghĩa thương
    15. 15.   Hăy trút hết áo quần hôi thối/
    16. 16.   Cho thịt da lại tỏa hương thơm
    17. 17.   Người em Lưu Xá ở đâu đây
    18. 18.   Có thấy ấm lòng xuân nắng hây
    19. 19.   Một đóa hoa tàn nay nở lại
    20. 20.   Thắm hồng trong buổi mới xuân nay".
    Mười năm sau, 1987 cũng ở ga Lưu Xá, nhà thơ gặp lại người đàn bà đó, tuy vẫn còn hoang dại nhưng đã bớt phần rách rưới điên loạn. Dưới bóng trăng mờ, người đàn bà nắm tay nhà thơ và đưa tiễn ông đến hai ga sau. Ngay sau đó ông sáng tác bài thơ Gặp lại người đàn bà điên ghi lại cảm xúc của mình. Năm năm sau, 1992 người đàn bà đến tìm nhà thơ ở nhà riêng tại phố Bà Triệu. Bây giờ người điên ấy đã là một cô gái đẹp. Một mối tình huyền thoại. Và ông viết tiếp bài thơ Người điên - Nàng tiên:
     "Đông Tây, Thi Họa tương phùng
    Cổ kim nghệ thuật tình thương thần kỳ…
    Thịt da trầm tỏa hương bay
    Như hồi đôi tám thơ ngây má hồng".
     Trong lần gặp gỡ đầu tiên, nhà thơ của tình thương đã nhìn thấy ở "cái xác thối tha ấy" một bông hoa tỏa hương, một mối tình xưa tinh khiết. Có lẽ đó là cảm hứng bắt nguồn từ nhiều bài thơ của Baudelaire mà ông đã dịch và ngấm vào trong máu thịt:
    Hãy yêu họ, vì dưới những manh quần rách tã
    Những tấm áo mong manh vẫn là những tâm hồn.
    (Baudelaire - Vũ Đình Liên dịch).
    Cũng như Ông đồ, xung quanh bài thơ này lại có bao lời bình luận và đối thoại. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã minh họa người đàn bà điên trong một bức tranh kỳ dị và Trần Văn Lưu là người đã cất giữ bức tranh này .Vũ Đình Liên đã hoàn thành xong bản thảo tập thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá, Bùi Xuân Phái đã vẽ bìa và nhiều tranh minh họa nhưng sau khi Vũ Đình Liên ra đi thì toàn bộ tư liệu về tập bản thảo này đã bị thất lạc.
    *
    Một lần, Bùi Xuân Phái vừa hoàn thành bức tranh Ông Ðồ được ghép bằng giấy màu tại nhà Trần Văn Lưu. Bức tranh này ông Phái tặng Trần Văn Lưu, Vũ Ðình Liên tới chơi, thấy bức tranh Ông Đồ, liền đề thơ ở dưới. Đó là bài Ngắm tranh (1974):
    NGẮM TRANH
    1. Tranh ngắm lòng càng rộn ý thơ,
    2. Cả hồn quá khứ xót ông đồ.
    3. Ba vần thơ đã khơi nguồn nhớ,
    4. Mấy mảnh giấy còn chắp cánh mơ.
    5. Thanh sắc chưa phai màu lệ cũ
    6. Ảnh hình thẫm đượm mối thương xưa
    7. Hồn người nghiên bút nghìn năm trước
    8. Khối hận đến giờ đã nhẹ chưa …
    Nhà thơ Vũ Đình Liên có làm một bài thơ về Bùi Xuân Phái. Một lần nhà thơ hỏi Bùi Xuân Phái:
    - Anh Phái ơi, lý tưởng sống của anh là gì ?
    Bùi Xuân Phái cười, đáp :
    - Lý tưởng sống của tôi là làm cho mọi người vui.
    Nghe họa sĩ trả lời, nhà thơ lấy làm tâm đắc và làm bài Gửi Bùi Xuân Phái:
    Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn
    Như thơ tôi vẫn cứ thương thương
    Anh, tôi đâu phải không vui lắm
    Nhân thế vì rằng chửa sướng luôn
    Còn lẽ loài người da bọc thịt
    Há như giống sói mõm phanh sườn
    Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp
    Đốt trái tim trầm gửi gió hương.
    *
    Đến năm 1975, lúc đó Vũ Đình Liên đã 63 tuổi, về hưu và ở tạm căn nhà 3 gian thuộc thôn Tiền, cách Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoảng 300m.Ông vẫn cặm cụi làm thơ, dịch thơ tiếng Pháp, đọc sách báo mặc dầu đôi mắt thầy đã mờ, thị lực giảm sút. Mỗi khi có học trò, bạn bè  đến thăm, đều thấy ông vui vẻ, thân mật, vồn vã trò chuyện và khoe những vần thơ mới sáng tác ngay trên bàn án thư kê ở góc sân. Ông thường cho mấy học trò xem tập thơ văn khá dày dặn được chuẩn bị công phu Người kỹ nữ cầu Tròvẫn chưa có dịp ra mắt độc giả. Rồi ông xúc động trình bày quá trình hình thành tập thơ Đôi mắt đã được xuất bản năm 1975 cùng với 2 công trình nghiên cứu văn học: Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (đồng tác giả với nhóm Lê Quý Đôn) và Nguyễn Đình Chiểu - nhà chí sĩ yêu nước.
    Ông thường thổ lộ với học trò: “Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời nhà thơ, nhà giáo của tôi là được chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với tất cả mọi người”. Trong bài thơ Gửi Bùi Xuân Phái, Nhà họa sĩ từ cảm hứng mà bài thơ Ông đồ mang lại đã có bức tranh độc đáo về ông đồ, Vũ Đình Liên có hai câu thơ kết thể hiện lý tưởng làm thơ, làm nghệ thuật của mình:
    Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp
    Đốt trái tim trầm gửi gió hương!
    Trong khoảng hơn 1000 bài thơ viết tay của Vũ Đình Liên để lại cho con cháu, có rất nhiều bài thơ biểu lộ tình thương đồng loại một cách huyền thoại đối với những kẻ "Thân tàn ma dại" đối với "Người đàn bà điên""Người kỹ nữ cầu Trò", đối với những "Đứa trẻ ăn mày"…
    Đạo lý quên mình vì người khác và gương sáng hiếu học của Vũ Đình Liên đã được truyền lại cho các con, các cháu noi theo. Hai người con trai của Vũ Đình Liên đã nối nghiệp người cha kính yêu. Anh Vũ Đình Quỳ là giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, anh Vũ Đình Dương là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Năm cháu nội của ông đã theo gương ông mà học tập thành đạt trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có cháu Vũ Thị Hiền là giảng viên Ngôn ngữ ở một trường đại học ở Tiệp Khắc, cháu Vũ Hương Giang tốt nghiệp thạc sĩ ở Australia, cháu Vũ Thị Hằng, tiến sĩ khoa học, giảng viên Đại học Quốc gia Australia.
    Thơ của Vũ Đình Liên chan chứa tâm hồn vị tha, đạo lý quên mình vì người khác. Nhân dân và bà con nhiều địa phương đã nói về ông: "Anh là thi sĩ của những người thân tàn ma dại, của những người bất hạnh". 
    *
    Hồn vía Ông đồ nhập vào Vũ Đình Liên từ năm 13 tuổi. Nói về sự tiếp nối nề nếp nhà nho, để có những bài thơ hay nhắc đến một thời đã qua, ông từng viết: “Năm 13 tuổi, tôi đã làm thơ hoài cổ. Bài Hồn xưa đã được một NXB ở Hải Dương đăng trong tập Những áng thơ hay … Bản thân tôi đã được kế thừa tinh thần của người mẹ, mẹ tôi là con một ông đồ. Tuy ở Hàng Bạc, làm nghề thợ bạc, nhưng gia đình luôn giữ nền nếp gia phong. Ngày nhỏ, tôi sống ở Hải Dương. Bởi vậy, nên cảnh sắc quê hương in đậm trong tâm trí, có tác động nhiều đến tâm tư tình cảm …”
    …. Nhận xét về Vũ Đình Liên, cố giáo sư Đỗ Đức Hiểu, một người bạn cùng “Nhóm Lê Quý Đôn”, rất quý rất hiểu ông, đã viết :
     “Vũ Đình Liên là một trong những nhà Thơ Mới, thuộc lớp đầu, tôi tạm gọi là “Làn sóng thứ nhất”. Làn sóng thứ nhất Thơ Mới bao gồm những bài thơ lỗi lạc chịu ảnh hưởng chủ yếu của thơ lãng mạn Pháp nửa đầu thế kỷ 19 như    Lamartine (7),  Musset (8),  Vigny (9), nhất là Victor Hugo (10)…”
     “Vũ Đình Liên là một trường hợp đặc biệt, ông làm thơ suốt trên 60 năm nay … Chỉ xét về một phương diện - sự tương hợp giữa Thơ Mới và Thơ Pháp, ông chịu nhiều ảnh hưởng của thơ lãng mạn Pháp …
    Ông tiếp nhận tình thương … ở thơ lãng mạn Pháp. Đúng vậy, ngoài việc xót xa, thương cảm một lớp người đã bị thời thế bỏ quên - ông đồ, ông còn thương : “Những trẻ thơ côi cút … Suốt đêm khuya đợi mẹ mãi không về”. Ông khẽ bảo mọi người hãy “nương nhẹ” những bông hoa úa “bị ném vào trong xó”; ông không muốn một ngày kia “Thiên hạ có nhiều bông hơn tuyết trời để ủ lòng muôn trẻ nhỏ cho môi hồng thắm tươi”.
    Viết Lời tựa cho tập Thơ Baudelaire do Vũ Đình Liên dịch, giáo sư Đỗ Đức Hiểu viết :
    “Vẫn với đề tài tình thương, thơ Vũ Đình Liên sau 1945 gợi nhớ Baudelaire. Trong cặp sách ông thường mang hàng ngày , có toàn tập Baudelaire, bản thảo ông dịch Hoa ác, ông làm một bài thơ tiếng Pháp Đề ảnh Baudelaire (ông đã dịch ra tiếng Việt). Bùi Xuân Phái vẽ một biếm họa Baudelaire và Vũ Ðình Liên cầm tay nhau. Một nhà văn Pháp đến Hà Nội, biết chuyện Vũ Đình Liên say mê Baudelaire, gọi đùa ông là Baudelien (Bô đơ Liên) …”.
    *
    Trong dịp Khai bút đầu xuân  Nhâm Tuất 1982, Vũ Đình Liên có viết bài Bóng Ông Đồ, như là muốn họa lại bài thơ cũ Ông Đồ:
    Bóng ông đồ
    1. Mỗi năm hoa đào nở
    2. Lại thấy ông đồ già
    3. Bút nghiên và giấy đỏ
    4. Ngồi đúng chỗ ngồi xưa
    Ôi ! Cái nghiệp nghiên bút
    Tô điểm cho cuộc đời
    Người chết nghiệp không chết
    Nợ tiền kiếp luân hồi
    1. Trải trăm ngàn dâu bể
    2. Giấy mực màu không thay
    3. Chữ Nhân và chữ Nghĩa
    4. Vẫn những nét thẳng ngay
    Ông đồ vẫn ngồi đấy
    Khăn áo bạc màu dưa
    Nhắc cho người qua thấy
    Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ
    Cách Mạng là nhân nghĩa
    Ông Đồ là thi thư
    Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
    Từ ngón tay ông Đồ.
    Bài Bóng Ông Đồ còn được Vũ Đình Liên gọi là Ông Đồ 2, để cùng với Ông Đồ 1 là bài Ông Đồ năm 1936 làm thành đôi câu đối! … Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, bài Bóng Ông Đồ, tức Ông Đồ 2 không thể đứng song song với Ông Đồ năm 1936 được! Điều này dễ hiểu bởi Ông Đồ đã là kiệt tác, đã là “Độc nhất vô nhị” thì rõ ràng là không thể có Ông Đồ 2 ngang tầm! Riêng chuyện này thì Vũ Đình Liên dù có thông kim bác cổ cỡ nào cũng không thể nào hiểu nổi! Bởi như Viên Mai (11) đã nói : Oanh già không nên hót, người già không nên làm thơ! (12) Câu nói này cốt để nói với những con chim Oanh trẻ, còn Oanh già thì đâu có chịu nghe bao giờ!...
    Sài Gòn, tháng 9-2010
    Chú thích:
    (1) Nhóm Lê Quý Đôn: “Nhóm Lê Quý Đôn” gồm Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu (1*), Lê Thước (1**), Trương Chính (?), Lê Trí Viễn (1***), cùng nhau viết lịch sử văn học Việt Nam và dịch các tác phẩm văn học Pháp. Bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam dày hơn 1.000 trang, gồm 3 tập (1958).
    (1*) Đỗ Đức Hiểu: Xin xem: Đỗ Ngọc Thạch: GS Đỗ Đức Hiểu và tác phẩm Đổi mới phê bình văn học.(trieuxuan.info). Giáo sư Đỗ Đức Hiểu có bài Phê bình về thơ Vũ Đình Liên rất đặc sắc: Vũ Đình Liên - nhà thơ tình thương. Tạp chí Văn học, số 4-1993.
    (1**) Lê Thước (1891-1976): Hiệu là Tĩnh Lạc, sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 27 tuổi ông đậu Giải nguyên Hán học trường Nghệ nhưng không ra làm quan mà xin học thêm, đến năm 30 tuổi (1921) ông tốt nghiệp thủ khoa trường Cao Đẳng sư phạm Hà Nội, Ban Văn học. Được nhìn nhận là một bậc trí giả uyên bác cổ kim đông tây, một trí thức cỡ lớn đầu thế kỷ 20.
    (1***) Lê Trí Viễn: sinh năm 1919, quê Điện Bàn, Quảng Nam . Nhà giáo dục, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. (....). Nhà nghèo, chỉ được học hết cao đẳng tiểu học. Bắt đầu gắn bó với sự nghiệp giáo dục từ 1939, dạy trường tiểu học Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam ). Tự học và đỗ tú tài Triết học (1945). Suốt đời ông là một quá trình công phu tự học cần mẫn, nghiêm túc. Ông lần lượt giảng dạy trung học thời kháng chiến chống Pháp (ở Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi), đại học (từ 1958) và trên đại học (từ 1973). Ông làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong 15 năm (1963 - 1978), sau đó chuyển vào giảng dạy tại ĐHSP TP.HCM, được Nhà nước phong chức danh Giáo sư (1980) và danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân (1990) . (Từ điển Văn học bộ mới, trang 838 - 839, NXB Thế giới, 2004).
    (2) Charles Pierre Baudelaire (1821 -1867) là một trong những nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất ở Pháp trong thế kỷ 19. Ông đã viết nhiều bài tiểu luận phê bình nghệ thuật, dịch thơ Edgar Allan Poe (2*), xuất bản tập thơ Les Fleurs du Mal (đã xuất bản ở Việt Nam dưới tên Những bông hoa ác). Sau cái chết của ông, một số tác phẩm như Journaux intimes (Nhật ký riêng tư) và Petits poème en prose (Những bài thơ nhỏ viết theo thể văn xuôi) mới được xuất bản.
    (2*) Edgar Allan Poe (1809-1849) là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, ông có sự ảnh hưởng đến Charles Pierr Baudelaire, Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (2*1), Sir Arthur Conan Doyle (2*2)...
    (2*1) Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821-1881):Cùng với Lev Tolstoy (2*1*), Dostoevsky được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỷ 19. Các tác phẩm của ông, như Anh em nhà Karamazov hay Tội ác và hình phạt đã khai thác tâm lí con người trong bối cảnh chính trị, xã hội và tinh thần của xã hội Nga thế kỷ 19. Ông được giới phê bình đánh giá rất cao, phần lớn xem ông là người sáng lập hay là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ 20. Tuy nhiên ở Liên Xô, sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, người ta hầu như phủ nhận toàn bộ các sáng tác của Dostoevsky. Từ 1972, tác phẩm của Dostoevsky mới được nhìn nhận lại và đánh giá đúng mức ở quê hương của mình.
    (2*1*) Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy (1828 -1910) là một tiểu thuyết gia người Nga. Tolstoy được yêu mến ở khắp mọi nơi như một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong tất cả các nhà viết tiểu thuyết, đặc biệt nổi tiếng với kiệt tác Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina: miêu tả sự phóng khoáng và hiện thực của cuộc sống Nga, hai tác phẩm là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực.
    (2*2) Sir Arthur Conan Doyle (1859 -1930) là một nhà văn người Scotland nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes, tác phẩm được cho là một sáng kiến lớn trong lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám. Các tác phẩm của ông bao gồm nhiều truyện khoa học giả tưởng, tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, tiểu thuyết, thơ và bút ký.
    (3), (4): Lời Vũ Đình Liên trong một bức thư gửi cho Hoài Thanh đề ngày 9-1-1941. Chú thích của Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam.
    (5) Tú Sót Chu Thành (1930-2006): Tú Sót tên thật là Chu Thành, sinh năm Canh Ngọ (1930), quê ở Diễn Tường, Diễn Châu, Nghệ An. Đây là một vùng quê “có tiếng” về nói trạng của xứ Nghệ. Chu Thành là con út trong gia đình, ngay từ khi lên 6, 7 tuổi đã được tiếp xúc với chữ nho, rồi được học chữ quốc ngữ. Lớn lên, Chu Thành vào bộ đội chống Pháp. Khi Thủ đô hoàn toàn giải phóng, ông về làm việc ở NXB Thanh Niên đến lúc nghỉ hưu (1989).
    Cũng bắt đầu từ khi “cầm sổ hưu”, Chu Thành - Tú Sót mới chính thức bắt đầu cầm bút lông, và học thêm ở các bậc túc nho đi trước như cụ Lê Xuân Hòa rồi gắn những năm cuối đời của mình với nhóm “Cảo thơm thư hiên” ở góc phố Bà Triệu. Ông đã mãi mãi trở thành “người muôn năm cũ” từ mùa xuân 2006.
    (6) Bùi Xuân Phái (1920 - 1988): Quê gốc ở Vân Canh, Hoài Đức Hà Đông. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 1941 - 1946, tham gia kháng chiến, đồng thời tham dự nhiều triển lãm chung với các họa sĩ khác. Năm 1952 ông về Hà nội, sống và sáng tác tại nhà (số 87 Phố Thuốc Bắc) cho đến khi mất. Từ năm 1956 đến năm 1957, Bùi Xuân Phái giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội, khi xảy ra phong trào Nhân văn Giai phẩm, họa sĩ phải đi lao động, học tập trong một xưởng mộc tại Nam Định và ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị ông viết đơn xin ngưng giảng dậy tại trường Mỹ thuật.
    Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.
    (7) Alphonse Marie Louis de Prat de Lamartine (1790-1869) là một nhà thơ, nhà văn theo trường phái lãng mạn nổi tiếng của nước Pháp. Ông còn là sử gia, một chính trị gia với chức Bộ trưởng bộ ngoại giao trong chính phủ Pháp.
    Tên tuổi của Lamartine gắn liền với tập thơ "Méditations" (Trầm tư), tập 1 ra đời năm 1820, tập 2 ra đời năm 1823 (còn gọi là tập "Nouvelles Méditations"(Trầm tư mới), đều được coi là những tác phẩm giá trị nhất của ông. Song những sáng tác đáng chú ý còn phải kể đến tập thơ "Harmonies poétiques et religieuses" (Hoà âm thi tứ và đạo lý, 1829), "Recueillements" (Mặc tưởng, 1839), tiểu thuyết "Jocelyn" (1836) và "Graziella" (1952).
    (8) Alfred de Musset (1810-1857) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của nước Pháp thế kỷ XIX. Ông là người có số phận vinh quang và cay đắng. Đa tài và thành danh từ khi còn rất trẻ, song khi mất, chỉ lèo tèo người đưa tiễn.
    Tuy cuộc tình giữa Alfred de Musset và George Sand (8*) không được thi vị như nhiều người trông đợi, song không thể phủ nhận một thực tế, chính nhờ mối tình này mà Musset đã viết nên những bài thơ tình tuyệt diệu (như chùm bài "Đêm tháng năm", "Đêm tháng chạp", "Đêm tháng tám", "Đêm tháng mười"...) đưa Musset lên hàng những thi sĩ được thanh niên Pháp ưa thích nhất cho tận tới hôm nay.
    (8*) George Sand (1804-1876): là một nữ tiểu thuyết gia người Pháp. Bà sinh tại Paris với cái tên Amantine Aurore Lucile Dupin. Cha của bà, Maurice Dupin là một người dòng dõi quý tộc, còn mẹ của Sand, Sophie-Victoire Delaborde xuất thân từ tầng lớp bình dân. Cha mất sớm, George Sand sống với bà, rồi sau đó vào tu viện. Năm 1821, vào tuổi 17, bà kết hôn với Nam tước Casimir Dudevant. Cuộc hôn nhân này tan vỡ và George Sand có nhiều mối tình khác, trong đó không ít với những nhân vật nổi tiếng.
    Bút danh George Sand, một cái tên nam giới, được bà sử dụng lần đầu tiên vào năm 1829 trên tạp chí Le Figaro. Bà viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, phê bình văn học và một tự truyện, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như La Mare au diable (Cái đầm ma), La Petite Fadette (Cô bé Fadette), v.v…George Sand mất tại Nohant. Tưởng nhớ Sand, Victor Hugo viết: Tôi khóc một người đã khuất, tôi chào một người bất tử.
    (9) Alfred Victor de Vigny (1797-1863): Nhà thơ Pháp.
    (10)Victor Hugo (1802-1885) là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng của Pháp. Các tác phẩm của ông rất đa dạng như: tiểu thuyết, thơ, kịch, các bài diễn văn chính trị,... Tiêu biểu cho các tác phẩm của ông là hai tác phẩm mang đậm tính nhân bản: Những người khốn khổ (Les Misérables) và Nhà thờ Đức bà Paris (Notre-Dame de Paris).
    (11) Viên Mai (1716-1797): thi nhân và tản văn gia đời Thanh, tự Tử Tài, hiệu Giản Tề, biệt hiệu Tuỳ Viên lão nhân, người đất Tiền Đường, Triết Giang (Hàng Châu).
     Viên Mai là tập đại thành của nền phê bình lý luận thơ ca cổ điển Trung Quốc, tác phẩm Tuỳ Viên thi thoại của ông được đánh giá là đỉnh cao của nền thi thoại Trung Quốc. Viên Mai bàn về thơ, lấy “tính linh” làm gốc, theo ông, tính linh là cái phong thú tự nhiên mà nhà thơ bỗng cảm nhận được, không cần cảnh giới lớn hay nhỏ, cách điệu cao hay thấp, chỉ cần có tính linh thì là thơ hay. Thuyết “tính linh” của Viên Mai, ảnh hưởng đến đời sau là rất lớn, lan cả đến Việt Nam, như là một sự khai mở, phát triển lý luận của loại hình văn học nhà nho tài tử ở Việt Nam. Vấn đề cốt lõi trong lý luận của thuyết tính linh xuất phát từ những điều kiện chủ quan trong sáng tác thi ca, nó nhấn mạnh ba yếu tố ba phương diện của chủ thể sáng tạo cần phải có là: chân tình (tình cảm chân thật), cá tính và thi tài (tài làm thơ).
    (12) Chim Oanh: Có câu chuyện nhà Phật về chim Oanh như sau:
    Ngày xưa có một ông vua tính tình nóng nảy, lấy sự săn bắn, chém giết làm thích thú. Một hôm nhà vua vào rừng săn bắn, thấy một con chồn lanh lẹ né tránh mũi tên của nhà vua, chạy trốn vào bụi rậm, vua sai lính tìm kiếm nhưng không tìm thấy.
    Nhà vua quá tức giận ra lệnh đốt rừng làm cho thú vật và cây cối bị cháy. Lúc bấy giờ nhà vua nhìn đám cháy nghe tiếng thú vật rên la mà thích thú.
    Bỗng trên đám lửa có một con chim Oanh Vũ màu trắng đang hăng hái chữa cháy. Chim bay xuống sông gần đấy nhúng ướt thân rồi bay lại đám lửa rũ nước xuống đám cháy mong dập tắt lửa để cứu các con vật bị nạn.
    Thấy vậy, mọi người theo dõi việc làm của chim Oanh Vũ. Nhà vua bỗng động lòng trắc ẩn, cảm thấy xấu hổ liền ra lệnh dập tắt lửa và từ đó cấm không cho ai được vào rừng săn bắn nữa.
    Chim Oanh Vũ là một trong những kiếp trước của Ðức Phật Thích Ca.
    Đỗ Ngọc Thạch.
  7.  nguồn: vannghechunhat.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét